Những chiếc đèn ông sao sáng rực rỡ giữa đêm, ông trăng tròn vằng vặc, con nắm tay cha hòa vào dòng người múa lân đi khắp xóm phố, nghe tiếng trống đêm rằm rộn rã, tiếng cường khúc khích ròn tan,được nhận món quà ấm áp của mẹ và phá cỗ … Tất cả kỉ niệm như gợi về đủ đầy hương vị của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống.

Trung thu không những là ngày Tết của thiếu nhi mà còn là Tết đoàn viên của mỗi gia đình Việt. Một năm trôi qua với bộn bề công việc, ngày Tết Trung thu tuy ngắn ngủi nhưng lại là khoảng thời gian mọi người trong gia đình tạm gác lại mọi lo toan của cuộc sống, thả lỏng cơ thể, cùng ngồi quây quần bên nhau phá cỗ trông trăng. Hòa chung không khí tươi vui nhộn nhịp là cảnh những đứa trẻ cùng nhau rước đền, hát đồng dao dưới ánh trăng vàng.

Phong tục ngày Tết trung thu của Việt Nam vô cùng phong phú với những trò múa Lân, diễn kịch chú Cuội, chị Hằng và không thể thiếu một mâm cỗ Trung thu truyền thống.

Bánh trung thu là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ “trông Trăng”. Bánh trung thu thường có 2 loại là Bánh nướng và Bánh dẻo với nhiều hương vị khác nhau. Ấn tượng nhất có lẽ vẫn là Bánh nướng Nhân thập cẩm.

Với công thức khá đơn giản cùng với việc sở hữu một chiếc lò nướng, mọi người đều có thể thực hiện tại nhà để thưởng thức hoặc biếu tặng người thân và bạn bè.

Vị đặc trưng trong mỗi chiếc bánh nướng – bánh dẻo truyền thống

Chẳng biết từ bao giờ, thứ bánh kỳ diệu ấy đã xuất hiện trên mâm cỗ trông trăng của mỗi người dân đất Việt. Mùi thơm của hương hoa bưởi, vị ngầy ngậy của lạp xưởng đã làm mê hoặc biết bao con người.Trong tiềm thức của người Tràng An, bánh trung thu không chỉ là một loại quà bình thường mà nó còn mang ý nghĩa cho sự đoàn viên; là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc.